Kiến thức

Tìm hiểu 4 phương pháp đối phó với tin nhắn ác ý trên mạng xã hội

Date
3/31/2024
Tìm hiểu 4 phương pháp đối phó với tin nhắn ác ý trên mạng xã hội

Đi kèm với tiện ích của việc kết nối online là những nguy cơ bạo lực mạng, nổi bật là các tin nhắn ác ý. Vì vậy, khả năng xử lý các tình huống tiêu cực trên không gian mạng là một kỹ năng quan trọng để bảo vệ bản thân.

Trong bài viết này, CyberKid Vietnam sẽ cung cấp cho bạn 4 bước quan trọng để đối phó với các tin nhắn ác ý trực tuyến. Hãy cùng chúng mình học hỏi để bảo vệ bản thân khi tham gia vào không gian mạng nhé.

tìm hiểu 4 phương pháp đối phó với tin nhắn ác ý trên mạng xã hội

Dấu hiệu nhận biết tin nhắn ác ý

Để chuẩn bị lớp “bảo vệ” khi bị tấn công bởi các nguồn thông tin gây hại trên mạng, trước tiên, chúng ta phải nhận diện được các tin nhắn tiêu cực.

Thứ nhất: Ngôn từ thô tục hoặc bạo lực

Mạng xã hội là một không gian để mọi người chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc cá nhân, nên việc xác định “ranh giới” giữa những quan điểm mang tính xây dựng và bạo lực ngôn từ trực tuyến có thể gây khó khăn.

Một dấu hiệu để phân biệt tin nhắn ác ý là mục đích của chúng để công kích các cá nhân, gây rối hoặc khuyến khích hành động tiêu cực.

Thứ hai: Số lượng lớn tin nhắn ác ý từ người lạ

Nếu bạn nhận được nhiều tin nhắn từ người lạ và chúng mang tính chất xâm phạm, thì có thể bạn đã bị bạo lực mạng. Việc nhận được một lượng lớn các tin nhắn làm phiền có thể dẫn đến việc bị quấy rầy, tấn công và đe dọa. Bên cạnh đó, chúng ta dễ dàng bị lo lắng hay mất tập trung khi học tập và làm việc.

Thứ ba: Yêu cầu cung cấp hay phát tán thông tin, hình ảnh cá nhân hoặc nhạy cảm

Tấn công bằng việc lấy cắp tài khoản mạng xã hội hay giả dạng danh tính đánh cắp thông tin cũng là một hình thức bạo lực mạng ít được biết đến. Những tin nhắn yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân như mật khẩu, số thẻ tín dụng có thể là dấu hiệu của lừa đảo. Bằng cách trò chuyện với bạn hay đột nhập tài khoản cá nhân, những tin nhắn có nội dung không lành mạnh dễ bị tin tặc chia sẻ, phát tán hoặc sử dụng cho các mục đích sai trái.

Cần làm gì khi nhận được tin nhắn ác ý

Phương pháp 1: Sơ cứu tâm lý

Khái niệm "sơ cứu tâm lý" có thể xa lạ, tuy nhiên, đây là một phần quan trọng trong việc đối phó với những tác động tiêu cực của tin nhắn ác ý.

sơ cứu tâm lý
Nguồn:

Sơ cứu tâm lý là việc chăm sóc cảm xúc của bản thân trong tình huống khó khăn. Việc sơ cứu tâm lý sớm có thể hỗ trợ việc điều trị tâm lý  hiệu quả hơn. Nếu bạn gặp khủng hoảng tâm lý khi mới bị bạo lực mạng thì các biện pháp sơ cứu tâm lý sẽ giúp bạn bình ổn hơn để nhìn nhận vấn đề thấu đáo và sinh hoạt bình thường trở lại.

Bạn có thể tự sơ cứu tâm lý bằng một số biện pháp đơn giản. Đầu tiên, hãy lắng nghe chính mình và bĩnh tĩnh đối diện với những cảm xúc tiêu cực. Nếu như bạn đang trải qua bất ổn tâm lý như lo lắng, hoảng sợ thì chấp nhận nó là một phần của cuộc sống. Điều này giúp bạn không tự trách mình và tạo điều kiện để hiểu sâu vấn đề mình đang gặp phải. Bên cạnh đó, hãy xây dựng một kế hoạch tự chăm sóc và quản lý stress. Bạn có thể đặt lịch trình hàng ngày, bao gồm việc tập thể dục, ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và thực hành các phương pháp giảm căng thẳng như yoga hoặc thiền.

Một nguồn sơ cứu tâm lý quen thuộc khác là người thân (bố mẹ, anh chị,..) hoặc bạn thân. Bạn hãy chọn một thời điểm để nói chuyện mà bản thân được chú ý hoàn toàn, và giải thích mức độ nghiêm trọng của vấn đề đối với bản thân. Sự hỗ trợ, đồng hành của một mạng lưới những người đáng tin cậy sẽ giúp bạn tự tin hơn trên hành trình chữa lành của mình.

Ngoài ra, các dịch vụ, trung tâm sơ cứu tâm lý, đường dây nóng là một sự lựa chọn phù hợp vì bạn sẽ được trợ giúp bởi những chuyên gia, người có chuyên môn về lĩnh vực tâm lý. Nếu bạn cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi, đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ đến từ CyberHotline. Chúng mình là đơn vị cung cấp miễn phí 100% dịch vụ tư vấn, hỗ trợ và sơ cứu tâm lý miễn phí cho Trẻ em và Thanh thiếu niên là nạn nhân của các mối nguy hại trên không gian mạng. Chúng mình tập trung vào kỹ thuật sơ cứu tâm lý và bình ổn tinh thần nạn nhân sau khi bạo lực mạng, từ đó đề xuất các biện pháp xử lý linh hoạt, phù hợp và đồng hành bạn trên hành trình chữa lành tổn thương và bảo vệ bản thân.

Phương pháp 2: Dừng tương tác

Từ chối tham gia các phản ứng mang tính chất công kích là một sự dứt khoát trong bảo vệ bản thân. Từ việc nắm rõ các dấu hiệu của tin nhắn bạo lực trên không gian mạng, bạn hãy sàng lọc thông tin một cách thông minh để tránh các tin nhắn ác ý. Bạn có thể tắt thông báo hoặc ẩn cuộc trò chuyện khi cảm thấy không thoải mái. Bên cạnh đó, bạn có thể chủ động lọc thông tin tiếp cận mình bằng cách điều chỉnh các chế độ trên ứng dụng như hạn chế tin nhắn từ người lạ, ẩn các tin có từ khóa nhạy cảm hay chặn các tài khoản có dấu hiệu spam. Hãy thường xuyên đổi mật khẩu để tránh bị đánh cắp dữ liệu và hạn chế công khai quá nhiều thông tin cá nhân trên không gian mạng. Tuỳ vào tình huống mà bạn có thể cân nhắc bỏ qua những lời lẽ khiêu khích trên mạng mà hãy chặn tài khoản/ báo cáo tài khoản đó cho nền tảng. Nếu bạn nhận được những email hoặc tin nhắn từ người lạ, hãy xem xét đổi tạm thời sang một địa chỉ email, số điện thoại, tài khoản mạng xã hội khác.

Phương pháp 3: Lưu lại bằng chứng

lưu lại bằng chứng
Nguồn:

Căn cứ khoản 2 Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử được xem là nguồn của chứng cứ, vậy tài liệu do đương sự vụ án cung cấp là file ghi âm, hay hình ảnh có thể được xem là chứng cứ.

Chính vì thế, khi bị bạo lực mạng, bạn hãy ghi lại bằng chứng của những tin nhắn, bình luận mang tính đe doạ, khiêu khích, gây rối kèm theo thời gian thực xảy ra. Ngoài lưu giữ phiên bản dưới định dạng kỹ thuật số, hãy in ra giấy nếu cần thiết.

Đây sẽ là minh chứng cho bạn về việc bị bạo lực mạng và những tài liệu này sẽ hữu ích nếu bạn muốn tìm công bằng bằng luật pháp. Đồng thời, trong các tình huống có tính chất nghiêm trọng, bạn nên báo cáo sự việc cho cơ quan Công an địa phương để xử lý theo quy định của pháp luật. Tuân thủ chặt chẽ các điều khoản của Luật An ninh mạng cũng là biện pháp đảm bảo sự an toàn cá nhân trước nguy cơ bị bắt nạt trực tuyến.

Tuy nhiên để được xem là chứng cứ hợp pháp thì căn cứ theo khoản 2 Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó. Và căn cứ theo điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐTP quy định các tài liệu nghe được, nhìn được phải được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó. Các tài liệu này có thể là băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, phim, ảnh,… Nếu đương sự không xuất trình các văn bản nêu trên, thì tài liệu nghe được, nhìn được mà đương sự giao nộp không được coi là chứng cứ.

Tại khoản 1 Điều 6 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định chứng cứ mà đương sự cung cấp phải được chứng minh là có căn cứ và hợp pháp.

Như vậy ảnh chụp màn hình tin nhắn sẽ được xem là chứng cứ hợp pháp trong vụ án dân sự nếu người giao nộp xuất trình được văn bản trình bày về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan đến những tin nhắn trong hình chụp là có căn cứ, đúng sư thật nếu không sẽ không được coi là chứng cứ hợp pháp.

Phương pháp 4: Tìm hiểu thêm về bạo lực mạng

tìm hiểu thêm về bạo lực mạng
Nguồn:

Biết về tin nhắn ẩn ý và độc hại thôi chưa đủ, bạn hãy cố gắng tìm hiểu sâu hơn về bạo lực mạng nói chung. Cách đầu tiên để trau dồi và tích lũy kiến thức cho bản thân chính là đọc các nguồn tài liệu đáng tin cậy của các cơ quan chính phủ hay tổ chức phi chính phủ. Bên cạnh đó, bạn có thể tham gia các webinar, workshop hay diễn đàn trực tuyến để nhận được sự hướng dẫn khi tìm hiểu về năng lực số và an toàn mạng.

Dù ở trong tình huống nào, hãy luôn trang bị các kỹ năng cần thiết khi sử dụng không gian trực tuyến. Khi đó, tất cả chúng ta có thể cùng nhau kiến tạo nên một cộng đồng trực tuyến an toàn, văn minh và lành mạnh.

Kết

Có thể thấy, trong thời kỳ số hóa hiện nay, việc biết cách đối phó với các thông tin ác ý và độc hại trên mạng đang dần trở một kỹ năng không thể thiếu để bảo vệ bản thân. Với 7 bước đề xuất ở trên, CyberHotline hy vọng có thể giúp bạn "đương đầu” với bạo lực không gian trực tuyến. Để cập nhập thêm nhiều thông tin hữu ích về cách sử dụng mạng an toàn, hãy tiếp tục theo dõi chúng mình nhé!