Mạng xã hội - Sát thủ vô hình với thói quen ăn uống của giới trẻ

Date
5/29/2023
Mạng xã hội - Sát thủ vô hình với thói quen ăn uống của giới trẻ

Với giá thành chỉ từ 25.000 - 35.000VNĐ, bạn đã sở hữu được một một cốc kem hoặc trà sữa Mixue thơm ngon. Vì giá cả cạnh tranh nên Mixue dần thu hút được các bạn trẻ. Tuy nhiên, kể từ khi Mixue tung ra món đồ chơi như lật đật, gấu bông, nó đã trở thành một cơn sốt trên mạng xã hội và trở thành một thương hiệu “tủ” của giới trẻ. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những cây kem với giấy lót đỏ thương hiệu của Mixue trên mọi con phố. Trên thực tế, mạng xã hội là một nơi lý tưởng và dễ dàng để ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của người dùng, đặc biệt là người trẻ. Cùng CyberKid giải mã xu hướng này nhé!

Cách mạng xã hội ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của giới trẻ

Đa dạng nội dung truyền tải, quảng bá những xu hướng ăn uống mới

Nội dung truyền tải, quảng bá những xu hướng ăn uống mới ngày càng đa dạng từ đó ảnh hướng thói quen ăn uống của giới trẻ
Nguồn: Internet

Bên cạnh việc cập nhật thông tin, những người trẻ còn sử dụng mạng xã hội để tìm cảm hứng về bữa ăn, những hình ảnh bắt mắt về những món ăn được trang trí cầu kỳ, hay những công thức chế biến mới mẻ khiến giới trẻ thích thú. Người dùng dễ bị thu hút sự chú ý bởi những bài đăng này và bị thôi thúc để thử những xu hướng ăn uống.

Hơn nữa, nghiên cứu chỉ ra rằng mạng xã hội có thể đang thay đổi mối quan hệ của chúng ta với thực phẩm (Timothy, 2022). Một nghiên cứu dự đoán rằng những người trẻ tuổi tiếp xúc với hoạt động tiếp thị thực phẩm khoảng 30-189 lần mỗi tuần trên mạng xã hội, thức ăn nhanh và đồ ăn có lượng đường cao được hiển thị phổ biến nhất (Sodexo UK, 2023). Với tần suất xuất hiện dày đặc của quảng cáo, người dùng sẽ có xu hướng nhớ lâu những loại đồ ăn được tiếp thị, họ dễ bị thôi thúc để sử dụng loại thực phẩm đó hoặc tò mò muốn mua thử. 

Tận dụng sự ảnh hưởng của người nổi tiếng, influencer trên các nền tảng

Tận dụng sự ảnh hưởng của người nổi tiếng, influencer trên các nền tảng đến thói quen ăn uống của giới trẻ
Nguồn: Internet

KOL, người nổi tiếng và influencers trên mạng xã hội cũng có ảnh hưởng nhất định tới việc định hình xu hướng ăn uống của giới trẻ. Họ là những người được theo dõi nhiều trên mạng xã hội, đặc biệt nổi tiếng trong giới trẻ. Các sản phẩm hay lối sống mà họ quảng bá đều được người hâm mộ quan tâm và “bắt chước” lối sống.

Một ví dụ tiêu biểu: người sáng tạo nội dung Ngọc Khánh Đây - một gương mặt khá nổi tiếng trong cộng đồng Eat Clean (Ăn sạch - Một phong cách ăn kiêng). Ngọc Khánh thường xuyên chia sẻ những công thức, sản phẩm mà chị sử dụng để chế biến những món ăn theo phong cách Eat Clean. Những sản phẩm mà chị quảng cáo trong những buổi phát sóng trực tiếp đều nhận được lượt quan tâm cao, điều này chứng tỏ ảnh hưởng của chị Ngọc Khánh trong việc quảng bá phong cách sống Eat Clean đến cộng đồng.

Xu hướng bình thường hóa đồ ăn thiếu dinh dưỡng trong thói quen ăn uống

Thực trạng về thói quen ăn uống của giới trẻ ngày nay

Hình thức mukbang gây ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của giưới trẻ
Nguồn: Internet

Giống như hai mặt của một đồng xu, mạng xã hội có thể quảng bá cho lối sống lành mạnh, nhưng nó cũng có thể cổ súy những thực phẩm thiếu dinh dưỡng và độc hại. Hiện nay, người dùng dễ dàng bắt gặp những nội dung quảng cáo hoặc khuyến khích các loại đồ ăn không lành mạnh như cá viên chiên vỉa hè, gà rán, nước có ga.

Đặc biệt, những năm gần đây, hình thức mukbang (chương trình vừa ăn vừa ghi hình) du nhập vào Việt Nam và phổ biến với các bạn trẻ. Để có hiệu ứng âm thanh “đã tai”, những người sáng tạo mukbang thường ăn đồ chiên rán như gà rán, khoai tây rán. Sự kết hợp của âm thanh kích thích và biểu cảm thỏa mãn của nhân vật trong video mukbang dễ khiến người xem thèm những loại đồ ăn trong chương trình đó. 

Nguyên nhân thúc đẩy những hành vi này

Nguyên nhân cho thực trạng này có 2 mục phổ biến nhất là: xu hướng đề xuất của nền tảng sự tăng vọt cảm xúc khi xem mukbang. Đồ ăn là một chuyên mục dễ tiếp cận với nhiều đối tượng, với sự hỗ trợ từ thuật toán đề xuất của nền tảng, người sử dụng mạng xã hội sẽ bị tấn công bởi nguồn thông tin vô hạn về những xu hướng đồ ăn mới.

Quảng cáo cũng có vai trò trong việc lan tỏa những loại đồ ăn không lành mạnh. Các nhãn hàng thường hợp tác với người nổi tiếng để quảng bá đồ ăn thông qua nội dung nhận xét sản phẩm. Điều này đánh trực tiếp vào tâm lý FOMO (tâm lý bỏ lỡ) của người dùng, khiến họ bị thôi thúc để mua sản phẩm cho “hợp mốt”. ( Tham khảo thêm về tâm lý FOMO tại đây  )

Đối với mukbang, các chuyên gia cho biết việc xem video mukbang tạo cảm giác thoải mái, thư giãn, giải tỏa căng thẳng, giúp tránh cảm giác cô đơn (Thuc Linh, 2023). Sự dễ dàng có được những cảm giác này thông qua video mukbang khiến người dùng dễ lạm dụng nó, lâu ngày sẽ trở nên “nghiện’’ những chương trình này và “bắt chước” những món ăn trong video mukbang. 

Hệ quả

Hệ quả: Tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống ở người dùng.
Nguồn: Internet

Mạng xã hội thường tràn ngập những hình ảnh và bài viết bắt mắt về đồ ăn ngon, thức uống hấp dẫn. Điều này có thể khiến người dùng áp lực và cảm thấy phải tham gia vào cuộc đua săn lùng những món ăn đẹp mắt, độc đáo để chia sẻ lên mạng xã hội. Người dùng có thể cảm thấy không tự tin và biến việc ăn uống trở thành một cuộc đua tương tác.

Ngoài ra, mạng xã hội còn tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống ở người dùng. Các nghiên cứu chỉ ra khi bảng tin của người dùng tràn ngập hình ảnh về cơ thể lý tưởng, họ cảm thấy xấu hổ và sẽ điều chỉnh chế độ ăn kiêng để giảm cân, tăng cân hoặc tăng cơ ở những bộ phận nhất định của cơ thể (Timothy, 2022). Suy nghĩ này dẫn đến chứng rối loạn ăn uống, và điều này thường bị nhầm với việc ăn uống có kỷ luật.

Giải pháp

Để bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất của bản thân, CyberKid đề xuất một số giải pháp như sau cho các bạn trẻ: 

  • Digital detox - thanh lọc số: Các bạn trẻ có thể ngưng sử dụng mạng xã hội một thời gian hoặc giới hạn số giờ sử dụng. Việc thanh lọc này sẽ giúp các bạn tập trung hơn vào cảm xúc cá nhân thay vì chạy theo những xu hướng trên mạng xã hội. 
  • Theo dõi những kênh truyền tải thói quen ăn uống lành mạnh: Vì mạng xã hội sử dụng thuật toán đề xuất dựa trên tương tác của bạn với nội dung, hãy theo dõi những kênh, người quảng bá lối sống lành mạnh và chủ động chặn những trang thông tin khiến bạn có cảm xúc tiêu cực về việc ăn uống. Điều này không chỉ làm tăng kiến thức của bạn về một lối sống lành mạnh và còn chặn đứng những nguồn thông tin độc hại.
  • Tham khảo ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực: Với sự phát triển của Internet, việc tìm kiếm thông tin từ những chuyên gia, những trang thông tin chính thống không còn khó khăn. Đây là một cách hữu hiệu để các bạn có thể kiểm chứng những thông tin truyền bá lối sống không lành mạnh trên mạng xã hội.

Kết luận

Đối với nhiều người trong chúng ta, mạng xã hội đã trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày. Chúng ta quyết định cách nó ảnh hưởng đến cuộc sống và thói quen ăn uống của mình.

Để bảo vệ bản thân trước cơn bão thông tin này, bạn hãy ưu tiên những kênh với nội dung lành mạnh và chính thống nhé. Ngoài việc điều chỉnh nguồn cấp nội dung của mình, bạn có thể rời xa màn hình điện thoại khi bạn đang ăn! Thay vì kiểm tra thông báo trong bữa ăn, hãy ưu tiên và thực sự thưởng thức món ăn trước mặt bạn.

Nguồn tham khảo:

  1. Timothy (2022). How Social Media Influences Our Eating Habits. Retrieved from: https://www.afpafitness.com/blog/how-social-media-influences-our-eating-habits 
  2. Sodexo UK (2023). How social media is influencing what young people eat. Retrieved from:   https://uk.sodexo.com/insights/market-trends/education/how-social-media-is-influencing-what-young-people-eat.html#:~:text=Food%20and%20Social%20Media&text=A%20study%20predicts%20that%20young,shown%20(BBC%2C%202021) 
  3. Thục Linh (2023). Vì sao một số người thích xem các “thánh ăn”? Retrieved from:  i-sao-mot-so-nguoi-thich-xem-cac-thanh-an-4581199.html

Fanpage Cyberkid Vietnam

Related posts
Không có bài viết liên quan