Khủng hoảng bản sắc cá nhân ở Gen Z: Sự thật đằng sau những hình ảnh "hoàn hảo" trên mạng xã hội

Date
6/15/2023
Khủng hoảng bản sắc cá nhân ở Gen Z: Sự thật đằng sau những hình ảnh "hoàn hảo" trên mạng xã hội

Chiến tranh, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, thay đổi khí hậu,.... là những khủng hoảng đang tàn phá đời sống của nhiều người với tốc độ chóng mặt. Gen Z là một trong những nhóm tuổi bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi phải trưởng thành trong tình hình đầy bất động. Bên cạnh những khủng hoảng xã hội thường thấy, họ còn phải đối mặt với những áp lực xã hội thông qua những bài đăng về cuộc sống, hình mẫu hoàn hảo của những trẻ khác trên mạng xã hội. Tình trạng tiêu cực nếu kéo dài sẽ khiến người trẻ cảm thấy mất tự tin vào bản thân - hay còn gọi là khủng hoảng bản sắc cá nhân (identity crisis), một tình trạng diễn ra phổ biến ở giới trẻ hiện nay. Hãy cùng CyberKid “bắt bệnh” và “kê thuốc” cho những bệnh nhân với “căn bệnh” này nhé!

Khủng hoảng bản sắc là gì?

Thực trạng về khủng hoảng bản sắc cá nhân
Nguồn: Internet

Theo APA Dictionary of Psychology,  khủng hoảng bản sắc cá nhân (Identity crisis) là một giai đoạn của cuộc đời được đánh dấu bằng thử nghiệm; các giá trị thay đổi, xung đột hoặc mới xuất hiện; và thiếu cam kết với các công việc mình thường làm (đặc biệt là trong các mối quan hệ công việc và gia đình).  Họ có thể đặt câu hỏi về các giá trị và chuẩn mực văn hóa của gia đình mình, đồng thời bắt đầu phát triển hệ thống giá trị và cá tính riêng, tách biệt khỏi gia đình. 

Bản sắc thay đổi xuyên suốt cuộc đời một người khi họ đối mặt với những thách thức mới và có những trải nghiệm khác nhau. Do đó, một cuộc khủng hoảng bản sắc cá nhân có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Theo cách hiểu phổ biến, các cuộc khủng hoảng bản sắc đều có một số đặc điểm bao gồm (Lori & Zawn, 2022). :

  • Khám phá những bản sắc và cách sống mới
  • Thử những cách suy nghĩ khác nhau
  • Mông lung về danh tính và giá trị của một người
  • Suy nghĩ về vai trò của một người trong bối cảnh thế giới và trong các mối quan hệ

Ý thức về bản sắc rất quan trọng vì nó giúp mọi người tương tác với thế giới xung quanh. Một bản sắc nhất quán có thể giảm sự mông lung và lo âu, giúp một người đưa ra quyết định và nuôi dưỡng lòng tự trọng của họ (Lori & Zawn, 2022). 

Ảnh hưởng của các nền tảng mạng xã hội đối với việc xây dựng bản sắc cá nhân

Mạng xã hội đang dần trở thành một kênh thông tin phổ biến để hình thành nhận thức về bản thân. Các nền tảng như TikTok và Instagram trở nên phổ biến vì người dùng có thể chia sẻ suy nghĩ của mình và tham gia tương tác với người dùng khác thông qua các tính năng như "thích", "bình luận" và "chia sẻ" (Siyao, 2023). Thông qua sự tương tác và sự tự tin thể hiện cá tính của người khác, một người có thể nhìn lại và nhận xét bản thân, điều này có ý nghĩa cho quá trình xây dựng bản sắc riêng của họ (Siyao, 2023).

Môi trường thông tin cởi mở và không hạn chế của mạng xã hội đã tạo cơ hội để mọi người tìm hiểu về bản thân, vị trí của họ trong xã hội và cách phát triển bản thân. Bên cạnh đó, bằng cách tham gia vào các nhóm, cộng đồng và trò chuyện trực tuyến, mọi người có thể tìm kiếm những người có sở thích và quan điểm tương tự, từ đó phát triển bản sắc cá nhân dựa trên sự tương tác và trao đổi.

Xu hướng xây dựng những hình ảnh "hoàn hảo" trên mạng xã hội để thể hiện bản thân (Self-Presentation)

Sự so sánh bản thân với người dùng khác (Social Comparision)

Tình trạng so sánh bản thân với người dùng khác
Nguồn: Internet

So sánh xã hội là hành vi so sánh một số khía cạnh của bản thân (ví dụ: hành vi, ý kiến, địa vị và thành công) với người khác để nâng giá trị bản thân lên (Abraham & Frederick, 2007). Thanh thiếu niên có xu hướng so sánh xã hội nhiều hơn thông qua mạng xã hội, vì người dùng có thể đăng và xem thông tin về người khác một cách dễ dàng hơn. Điều này có ý nghĩa đối với thanh thiếu niên đang phát triển ý thức về bản thân, vì thông qua các bài đăng của người khác, họ có thể nhìn lại các đặc điểm, tính cách của chính mình (Laura & Steven, 2016).

Tuy nhiên, so sánh xã hội trực tuyến có thể khác với so sánh xã hội đời thực do người dùng mạng xã hội có thể nhấn mạnh các khía cạnh tích cực của bản thân để xây dựng hình ảnh; điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển ý thức về bản thân của người dùng (Chou & Edge, 2012).

Sự so sánh xã hội có mối liên hệ mật thiết với chứng sợ giao tiếp xã hội (social anxiety) và nỗi sợ bị soi mói công khai (public scrutiny) (Siyao, 2023). Khi có nhiều so sánh xã hội hơn, mọi người sẽ có xu hướng quan tâm đến những gì người khác nói về mình và họ sẽ cố gắng uốn nắn hành vi của mình để phù hợp với các tiêu chuẩn nhất định.

Thể hiện hình ảnh bản thân mong muốn trên mạng xã hội

Xu hướng thể hiện bản thân lên mạng xã hội
Nguồn: Internet

Trên mạng xã hội, người dùng thể hiện bản thân thông qua những bức ảnh về ngoại hình đã được chọn lọc và chỉnh sửa kỹ càng. Những bức ảnh này thường khuyến khích những tiêu chuẩn vẻ đẹp không phổ biến như thắt eo, vai ngang. Việc tiếp xúc quá nhiều với những bức ảnh được chỉnh sửa khiến người dùng tin vào những chuẩn vẻ đẹp này, và cảm thấy không hài lòng, tự ti với cơ thể của mình. 

Không chỉ thế, nhiều người dùng còn “tô vẽ” hình ảnh bản thân bằng những điều trái sự thật. Một cô gái chải chuốt trang điểm nhưng đăng ảnh với chú thích “mặt mộc”; một chàng trai ra khỏi ô tô, đội mũ bảo hiểm lên xe đạp và chụp ảnh với chú thích "Hoàn thành 30km đi xe đạp"…

Đây là những hành động lừa dối thường thấy trên mạng xã hội. Một số người còn lấy ảnh của người dùng khác, thường là những bức ảnh không nhìn thấy mặt để tô vẽ lên một cuộc sống không có thật về mình. 

Khi hình ảnh cá nhân đang xây dựng tác động đến khủng hoảng bản sắc

Gây ra sự tự ti về bản thân

Mặc dù mạng xã hội mang đến nhiều cơ hội để mọi người tìm hiểu về bản thân và phát triển bản thân, nó cũng đem đến nhiều bất lợi cho quá trình xây dựng bản sắc cá nhân. Những bất lợi đáng kể là gây ra sự tự ti về hình ảnh bản thân và áp lực tô vẽ hình ảnh hoàn hảo trên mạng xã hội (Siyao, 2023). Hai điều này cản trở quá trình xây dựng bản sắc cá nhân một cách lành mạnh và độc đáo.  

Những hình ảnh được chỉnh sửa ngoại hình trên mạng xã hội dễ khiến người xem cảm thấy tự ti về hình ảnh bản thân. Từ đó, họ hình thành cái nhìn sai lệch về tiêu chuẩn cái đẹp hoặc cảm thấy lạc lõng khi không có những đặc điểm giống với số đông các hình ảnh trên mạng xã hội. Về lâu dài, họ có thể phát triển những kỳ vọng không thực tế về ngoại hình bản thân và có xu hướng sử dụng những phương pháp tiêu cực để có ngoại hình mong muốn như bỏ đói, phẫu thuật thẩm mỹ (Dian et al., 2014).

Áp lực xây dựng hình ảnh hoàn hảo

Ngoài ra, người dùng còn bị áp lực về việc tạo ra hình ảnh hoàn hảo trên mạng xã hội, họ có thể sẽ mượn hình ảnh của người khác để xây dựng một cuộc sống không có thật về mình. Điều này một phần xuất phát từ mong muốn được xã hội chấp nhận và có được sự quan tâm từ mọi người. Hiện tượng này gây nhiều phiền toái tới những người dùng bị mượn ảnh vì nó gây ra những hiểu lầm về tính cách và cuộc sống của họ. Đối với người dùng phương pháp này để xây dựng hình ảnh, họ có thể dần chìm đắm vào thế giới mà mình xây dựng và bối rối với bản sắc của mình (Siyao, 2023).

Kết luận

Mặc dù mạng xã hội cho phép một người phản ánh lại bản thân, nó cũng sẽ dẫn đến những mâu thuẫn cảm xúc và gây khó khăn cho việc phát triển ý thức về cá tính mỗi người. Do đó, điều quan trọng đối với người dùng Internet là phát triển tư duy phản biện để không bị các hình ảnh hoàn hảo trên mạng xã hội đánh lừa. Đồng thời, người dùng cần biết chọn lọc thông tin có ích cho bản thân để giúp ích quá trình đánh giá bản thân, qua đó xây dựng bản sắc cá nhân một cách lành mạnh và bền vững.  

Nguồn tham khảo:

  1. Lori & Zawn (2022). What is an identity crisis? Retrieved from: https://www.medicalnewstoday.com/articles/identity-crisis 
  2. Siyao (2023). The Influence of Social Media Platforms on Self-Identity In the New Media Environment: the Case of TikTok and Instagram. Retrieved from: https://www.researchgate.net/publication/370492914_The_Influence_of_Social_Media_Platforms_on_Self-Identity_In_the_New_Media_Environment_The_Case_of_TikTok_and_Instagram
  3. Abraham & Frederick. (2007). Social comparison: The end of a theory and the emergence of a field. Organizational Behavior and Human Decision Processes. Retrieved from: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S074959780600094X 
  4. Laura & Steven ( 2016). The interrelated roles of mass media and social media in adolescents' development of an objectified self-concept: A longitudinal study. Retrieved from: https://journals.sagepub.com/doi/10.1177/0093650215600488 
  5. Chou & Edge (2012). “They are happier and having better lives than I am”: The impact of using Facebook on perceptions of others' lives. Retrieved from: https://www.liebertpub.com/doi/10.1089/cyber.2011.0324 
  6. Dian et.al (2014). The Effect of Social Network Site Use on Appearance Investment and Desire for Cosmetic Surgery Among Adolescent Boys and Girls. Retrieved from: https://link.springer.com/article/10.1007/s11199-014-0412-6

Fanpage Cyberkid Vietnam

Related posts
Không có bài viết liên quan