Bạn có nhớ những ngày xa xưa khi trẻ em có thể ngồi xem TV cả ngày, người trẻ say sưa xem những video Youtube dài cả tiếng? Vậy mà bây giờ không ít người phải vật lộn với việc tập trung đọc vài trang sách, luôn chỉnh tốc độ phát video nhanh gấp đôi. Đặc biệt từ khi TikTok xuất hiện và các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook, Instagram cho ra mắt tính năng Reels, Shorts…, sự phổ biến của các dạng nội dung ngắn như vậy trong giới trẻ lại càng được gia tăng.
Nội dung ngắn (short content hay short-form content) là hình thức truyền tải thông tin gói gọn trong dung lượng và thời lượng ngắn, có thể được thể hiện dưới dạng văn bản, ảnh hoặc video. Cùng với tính chất “ngắn” và nguồn nội dung vô tận, các nền tảng này níu chân người dùng khiến họ không thể dứt ra, tiếp tục lặp lại hành động “lướt” và ngày càng trở nên nghiện mạng xã hội hơn. Vậy tại sao nhiều người lại dễ dàng rơi vào trạng thái nghiện khi sử dụng mạng xã hội giải trí, đặc biệt là khi xem những nội dung ngắn? Câu trả lời nằm ở việc cơ chế hoạt động của những nội dung này đã kích thích não bộ tiết ra một chất dẫn truyền thần kinh, được gọi là dopamine.
Dopamine là một hóa chất hữu cơ vừa là hoóc môn và cũng là chất dẫn truyền thần kinh, đồng thời đóng một số vai trò quan trọng trong não và cơ thể. Trong não, dopamine hoạt động như một chất dẫn truyền thần kinh - một chất hóa học do nơron giải phóng để gửi tín hiệu đến các tế bào thần kinh khác.
Theo một bài nghiên cứu có tên: '' Dissecting components of reward: ‘liking’, ‘wanting’, and learning '' cho thấy bộ não bao gồm một số đường dẫn truyền dopamine khác biệt, một trong số đó đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy khen thưởng (Berridge, K. C; Robinson, T. E; Aldridge, J. W (2009)). Ví dụ bạn thích uống cà phê, mỗi lần ngửi thấy mùi cà phê khiến bạn có cảm giác mãnh liệt, mong muốn mua ngay một cốc cà phê để thỏa mãn sự thèm muốn, từ sự thỏa mãn đó tạo nên cảm xúc vui vẻ cho bản thân.
Một khi mất kiểm soát, ta sẽ lặp đi lặp lại những hoạt động này và biến chúng thành hành vi cưỡng chế trong vô thức. Điển hình cho trường hợp này là hành vi nghiện mạng xã hội: không thể dừng việc lướt mạng xã hội, liên tục kiểm tra thông báo. Hành vi này tồn tại do cảm giác “đói dopamine” và việc lặp lại hành vi đó là cách cơ thể tự đánh lừa bản thân để tạo ra cảm giác hưng phấn.
“Xem nốt video TikTok này rồi ngủ!” Chắc hẳn trong chúng ta không ít người từng tự nhủ bản thân như vậy khi nằm trên giường lướt điện thoại lúc 1h sáng. Vậy tại sao biết là không tốt nhưng chúng ta không thể ngừng? Đây chính là biểu hiện của cảm giác “đói dopamine” mà trong đó nội dung ngắn chính là thức ăn ngon. Nội dung ngắn thúc đẩy sản sinh dopamine với hai yếu tố chính: TỐC ĐỘ NHANH và DỄ TIẾP CẬN.
Mỗi khi xem hết một video, não bộ lại tiết ra dopamine gây cảm xúc vui vẻ, coi việc hoàn thành một video là phần thưởng. Cứ như vậy, chúng ta không ngừng lặp lại hành vi để nhận được “phần thưởng” đó. Nội dung ngắn trên nền tảng này càng dễ dàng kích thích não bộ với thời lượng dưới 3 phút hay thậm chí chỉ vài chục giây. Video nhanh và ngắn tạo cảm giác thiếu thốn, khiến ta cần phải xem lại và xem nhiều hơn nữa.
Việc xem xong một video với thời lượng ngắn khiến não bộ đánh lừa rằng chúng ta vừa hoàn thành xong một nhiệm vụ, cho cảm giác vui vẻ, hưng phấn và phần thưởng là một video ngắn khác. Vô hình trung thôi thúc người dùng không ngừng xem các video tiếp theo. Bên cạnh đó, các nền tảng này được xây dựng dựa trên nội dung đăng tải của những người dùng liên quan giúp người xem dễ dàng tiếp cận nguồn nội dung vô tận và càng kích thích người xem ở lại ứng dụng.
Các nền tảng mạng xã hội không ngừng thay đổi để đạt được mục đích lợi nhuận của họ bằng các thuật toán mới, hình thức trải nghiệm nền tảng mới. Điều này tạo nên các tác động không nhỏ tới người dùng bao gồm cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Nội dung ngắn là một trong số đó. Dạng nội dung này tiềm ẩn không ít tác hại về mặt thể chất lẫn tinh thần, thúc đẩy "vòng xoáy dopamine” cho người dùng cảm giác “hưng phấn ảo”, từ đó không ngừng xem các nội dung tương tự và dần mất khả năng kiểm soát hành vi.
Để tránh được tình trạng này, người dùng cần có ý thức giới hạn hành vi trong việc sử dụng mạng xã hội giải trí để tránh được những tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm lý và thể chất của chính bản thân mình.
Nguồn tài liệu :
1. Why you can't stop scrolling: The psychology behind TikTok. Blue Tick Social. (n.d.). Retrieved April 15, 2023, from https://www.blueticksocial.com/blog/why-you-cant-stop-scrolling-the-psychology-behind-tiktok
2. Berridge, K. C., Robinson, T. E., & Aldridge, J. W. (2009). Dissecting components of reward: ‘liking’, ‘wanting’, and learning. Current Opinion in Pharmacology, 9(1), 65–73. https://doi.org/10.1016/j.coph.2008.12.014
3. Berridge, K. C. (2007). The debate over dopamine’s role in reward: the case for incentive salience. Psychopharmacology, 191(3), 391–431. https://doi.org/10.1007/s00213-006-0578-x