Kiến thức

4 Cách đối phó với tin đồn sai sự thật trên mạng xã hội

Ngày
4/2/2024
4 Cách đối phó với tin đồn sai sự thật trên mạng xã hội

Trên mạng xã hội, người dùng có thể giấu danh tính sau tài khoản giả mạo, khiến việc phát tán tin đồn dễ dàng hơn mà không phải chịu trách nhiệm. Nhiều cá nhân, tập thể đã mất danh dự vì những thông tin sai lệch bị phát tán có chủ đích.

Sau đây, CyberKid Vietnam sẽ cùng các bạn tìm hiểu các bước giải quyết tin đồn ác ý, nhằm bảo vệ bản thân khi tham gia không gian mạng nhé.

Phát tán tin đồn ác ý - Vấn nạn ngày càng nghiêm trọng

Tin đồn ác ý là những thông tin sai lệch, xuyên tạc hoặc bịa đặt nhằm mục đích hạ thấp uy tín, danh dự, phẩm giá của một người hoặc một tổ chức nào đó. 

Hiện nay, có rất nhiều cá nhân đang sử dụng mạng xã hội để tung tin giả, bôi nhọ hình ảnh cá nhân và tổ chức. Theo khảo sát do Liên Hợp Quốc thực hiện, hơn 85% người dân lo ngại về tác động của thông tin sai sự thật trên mạng và 87% tin rằng nó gây tổn hại đến chính trị của đất nước.

Những thông tin không chính xác và xuyên tạc có thể lan truyền nhanh và gây tổn hại nghiêm trọng đến danh dự và uy tín của nạn nhân, khiến họ cảm thấy xấu hổ, lo lắng và tổn thương. 

Đâu là nguyên do của hiện tượng này? 

Một số người lan truyền tin đồn sai sự thật để thu hút sự chú ý trên mạng xã hội cho lợi ích cá nhân. Họ lợi dụng sự tò mò của người đọc để điều hướng đến các trang web, sản phẩm hoặc dịch vụ nhằm mục đích quảng cáo. Trong trường hợp này, các tin đồn sai sự thật được sử dụng để hạ bệ đối thủ cạnh tranh, gây ảnh hưởng tới ảnh hưởng đến nhận thức và quyết định mua hàng của người tiêu dùng, từ đó tạo ra thiệt hại tài chính.

Ví dụ: Năm 2017,  Safari đã đệ đơn kiện Airtel với cáo buộc thuê các blogger, người dùng mạng xã hội để truyền bá thông tin sai lệch về các sản phẩm và dịch vụ của Safaricom. Vụ việc thu hút sự chú ý đến vấn đề tin giả và tác động của nó đến thái độ của người tiêu dùng ở Kenya.

Ngoài ra, việc lan truyền tin đồn tiêu cực có thể do thiếu ý thức về hậu quả của hành vi họ gây ra và không hiểu rõ về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Người dùng có thể không kiểm tra tính xác thực của tin tức trước khi chia sẻ hoặc không hiểu mức độ ảnh hưởng của việc lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội.

Cần làm gì khi bị lan truyền tin đồn ác ý?

Đâu là những giải pháp tối ưu khi bị dính tin đồn ác ý? Hãy cùng CyberKid Vietnam điểm qua một số giải pháp để đối phó với việc bị lan truyền tin đồn ác ý trên mạng xã hội nhé. 

Phương pháp 1: Áp dụng sơ cứu tâm lý 

Trước hết, hãy quan tâm đến tình trạng tâm lý của bạn. Sơ cứu tâm lý là việc chăm sóc cảm xúc của bản thân trong tình huống khó khăn. 

Khi cần trợ giúp, đừng ngần ngại liên hệ tới các nguồn hỗ trợ sẵn có từ chính người thân và bạn bè của mình. Họ có thể đưa ra lời khuyên, giúp bạn trấn an về mặt tinh thần và xác minh lại thông tin một cách chính xác hơn.

Nếu bạn cần được chia sẻ và kêu gọi sự hỗ trợ, bạn có thể liên hệ với CyberHotline thông qua cuộc gọi hoặc tin nhắn. CyberHotline cung cấp miễn phí 100% dịch vụ tư vấn, hỗ trợ và sơ cứu tâm lý miễn phí cho Trẻ em và Thanh thiếu niên là nạn nhân của các mối nguy hại trên không gian mạng. Với sự hỗ trợ từ CyberHotline, bạn sẽ được an ủi và hỗ trợ cần thiết để xử lý khủng hoảng.

Phương pháp 2: Thu thập bằng chứng

Tiếp theo, bạn hãy thu thập bằng chứng liên quan đến các tin đồn ác ý trên mạng xã hội để làm minh chứng bảo vệ bạn nếu bị vu khống bởi các tin đồn ác ý đó, bao gồm:

- Nội dung tin đồn: Chụp ảnh màn hình hoặc sao lưu các bài đăng, bình luận, hình ảnh hoặc video liên quan đến tin đồn. 

- Nguồn gốc tin đồn: Xác định nguồn gốc tin đồn sẽ giúp cơ quan chức năng hỗ trợ bạn hiệu quả hơn. Bạn hãy cố gắng xác định tài khoản người đăng ban đầu và lưu thông tin của họ. 

- Tác động của tin đồn: Ghi lại tác động của tin đồn với bạn, hãy kèm ví dụ cụ thể để người có chuyên môn xác định quy mô vụ việc, đề xuất giải pháp tốt hơn nhé. 

Phương pháp 3: Liên hệ với người tung tin đồn để yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai sự thật: 

Nếu bạn biết người tung tin đồn là ai, hãy liên hệ trực tiếp với họ thông qua cuộc gọi điện thoại, tin nhắn hoặc email. Và nếu cần thiết, nạn nhân có thể nhờ sự giúp đỡ từ người lớn (gia đình, bạn bè) để giải quyết cùng, đặc biệt khi nạn nhân cần đi gặp trực tiếp người tung tin đồn đó. Khi liên hệ, hãy giải thích cho họ hiểu rằng thông tin đó là sai sự thật và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến bạn. Sau đó, yêu cầu người tung tin đồn gỡ bỏ hoặc đính chính thông tin sai sự thật và đề nghị họ thực hiện điều này trên các nền tảng mạng xã hội, trang web hoặc bất kỳ nơi nào thông tin đã được lan truyền.

Nếu người tung tin đồn không chịu gỡ bỏ hoặc sửa chữa thông tin, bạn có thể sử dụng bằng chứng đã thu thập được để tự mình lên tiếng đính chính. Hãy đăng tải thông tin đính chính đó lên các nền tảng mạng xã hội của bạn hoặc trang web cá nhân để giúp mọi người hiểu rõ về sự thật và khôi phục lại hình ảnh đã bị làm xấu của bạn.

Phương pháp 4: Báo cáo vi phạm với nền tảng mạng xã hội

Các nền tảng mạng xã hội đều hạn chế hành vi bôi nhọ danh dự người khác. Nếu bạn bị tung tin đồn ác ý, hãy báo cáo vấn đề cho nền tảng. Nền tảng mạng xã hội sẽ xem xét báo cáo của bạn, tiến hành điều tra và có thể gỡ bỏ nội dung vi phạm.

Ví dụ: Với Facebook, căn cứ theo quy định tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định về việc vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội, trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội, nếu người tung tin sai sự thật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

TỔNG KẾT

Tóm lại, việc đối phó với thông tin sai sự thật, tin đồn ác ý trên mạng xã hội là điều không hề dễ dàng và đòi hỏi sự kết hợp của nhiều giải pháp. Hỗ trợ tối ưu trong việc giải quyết các vấn đề này, CyberHotline đã và đang thực hiện ứng cứu các trường hợp nạn nhân bị tấn công trên không gian mạng, với hơn 102 nạn nhân bị quấy rối, xâm hại trên không gian mạng đã được ứng cứu, xử lý và sơ cứu tâm lý; 97,25% chỉ số hài lòng của nạn nhân sau khi tham gia tư vấn và 20,7 giờ trung bình CyberHotline đồng hành cùng một nạn nhân trong quá trình đối mặt với bạo lực mạng. Hãy theo dõi chúng mình để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích về an ninh mạng và sử dụng mạng an toàn bạn nhé!